Khu mộ Nguyễn Sinh Sắc
Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc ( 00:00/00:00 )
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - Thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh năm 1862 tại Làng Sen, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cụ thi đỗ Phó bảng vào năm 1901. Cụ mất vào đêm 26, rạng sáng ngày 27 tháng 10 âm lịch năm 1929 tại làng Hòa An, Cao Lãnh, Đồng Tháp, hưởng thọ 67 tuổi.
Ban đầu, Mộ phần của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc chỉ là mộ đất đơn sơ, sau đó được bà con trong vùng xây lại bằng xi măng. Đến năm 1954, trước khi tập kết chuyển quân ra miền Bắc, các đơn vị bộ đội đã xây dựng lại ngôi mộ Cụ. Ngôi mộ đã được Nhân dân Cao Lãnh cùng các Tăng, Ni, Phật tử chùa Hòa Long chăm sóc, bảo vệ vẹn nguyên cho đến ngày đất nước được hoàn toàn thống nhất.
Ngày nay, ngôi mộ Cụ đã được tôn cao hơn trước đây, hài cốt Cụ vẫn nằm đúng với vị trí mà bà con trong vùng đã an táng sau khi Cụ qua đời. Ngôi mộ được ốp đá hoa cương xuất xứ từ tỉnh Quảng Ninh. Mái che hình cánh sen cách điệu như bàn tay xòe úp xuống, đầu mái đắp nổi hình tượng chín đầu rồng, mang ý nghĩa tượng trưng cho Nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long luôn che chở và bảo vệ ngôi mộ người chí sĩ yêu nước.
Trong Khu di tích hiện có hàng trăm loại cây xanh, hoa kiểng quý được trồng để tạo bóng mát và vẻ đẹp tự nhiên cho nơi yên nghỉ của một nhà nho yêu nước. Phía bên phải mộ là vườn cây lưu niệm do các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trồng. Bên trái là vườn cây lưu niệm của 12 huyện, thành phố trong tỉnh Đồng Tháp dâng tặng. Đặc biệt là cây khế và cây sộp trên 300 năm tuổi do ông Ngô Văn Hay, một gia đình cách mạng ở Sa Đéc tặng. Năm 2014, hai cây này được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Đây là hai Cây Di sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp.
Ngoài ra, trong khuôn viên Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc còn có khu mộ phần của ông Phan Văn Cử và ông Lê Chánh Đáng cùng gia đình hai ông được tôn tạo rất trang trọng nhằm thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, bày tỏ lòng tôn kính đối với hai sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ 19 cũng là hai người bạn lúc sinh thời của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc khi về sinh sống tại Cao Lãnh. Khu di tích NSS